Ngày 12-11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang phối hợp với Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh Whitmore (bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei) tại các bệnh viện. Công ty TNHH Hamesco Việt Nam là đơn vị tài trợ cho buổi Hội thảo này.
Dự hội thảo có các giáo sư, bác sĩ chuyên khoa, nghiên cứu sinh chuyên nghiên cứu về vi sinh vật và vi khuẩn gây bệnh Whitmore của Đại học Y khoa Graz (Cộng hòa Áo); Tiến sĩ Trịnh Thành Trung, Phó Giám đốc Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học cùng nhiều bác sĩ đến từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và các bệnh viện trong tỉnh.
Quang cảnh hội thảo.
|
Được biết, Whitmore là bệnh thường gặp tại Việt Nam, lây nhiễm qua tiếp xúc, hô hấp, tiêu hóa, có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Người có nguy cơ nhiễm bệnh thường có nền bệnh tiểu đường, thận mạn tính, thiếu máu, thường xuyên tiếp xúc với môi trường đất và nước, đặc biệt qua vết thương ngoài da.
Biểu hiện lâm sàng là nhiễm khuẩn huyết, sau đó lây lan gây áp-xe nội tạng. Bệnh tiến triển nhanh, có nguy cơ tử vong cao (60%) nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Mỗi năm, cả nước phát hiện trung bình 110 ca bệnh. Số lượng người mắc bệnh được phát hiện ít hơn nhiều so với thực tế. Bệnh thường gặp vào mùa mưa. Theo bác sĩ Nguyễn Quang Huy, Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm 2018, Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận 20 ca bệnh nặng được chuyển đến từ các bệnh viện tuyến dưới.
Đại biểu Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học tham gia thảo luận.
|
Báo cáo tình hình nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Quốc Tuấn, Trưởng khoa Vi sinh cho biết: Từ năm 2015 đến nay, Bệnh viện phát hiện 23 trường hợp, trong đó có 6 ca tử vong và 3 ca chuyển tuyến trên. Bác sĩ đề xuất mở rộng mạng lưới nghiên cứu, tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh tặng hoa chúc mừng các đại biểu tham gia tham luận.
|
Theo đánh giá của Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Whitmore là một trong 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Việt Nam. Tuy nhiên căn bệnh này chưa được đề cập nhiều trong các chương trình giảng dạy dành cho sinh viên y khoa; ít thông tin dịch tễ về căn bệnh này. Nhiều bác sĩ lâm sàng chưa có nhiều kinh nghiệm nhận diện nghi ngờ ca bệnh, khó chẩn đoán để chỉ định cấy xét nghiệm vi sinh; một số bệnh viện chưa đủ năng lực xét nghiệm, còn bỏ sót ca bệnh.
Hội thảo đã góp phần nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, giảm tử vong do căn bệnh gây ra, hỗ trợ các bệnh viện trên địa bàn tỉnh có nhiều kinh nghiệm phát hiện bệnh thông qua các triệu chứng lâm sàng, chỉ định đúng phương pháp định danh vi khuẩn.
Minh Thu - Báo Bắc Giang