TẾ BÀO GỐC PHẦN 2
7. Tế bào gốc ung thư – cancer stem cell là gì?
Tế bào gốc ung thư hay còn được dịch là tế bào ung thư có tính gốc – cancer stem cell – CSC là một quẩn thể phụ – subpopulation của các tế bào ung thư – cancer cell, nó có khả năng tự làm mới mạnh hơn các tế bào khác trong khối u và có khả năng hình thành khối u có đặc tính tương tự như khối u ban đầu khi cấy ghép những tế bào này lên chuột bị suy giảm miễn dịch. CSC được cho là những tế bào chịu trách nhiệm về sự phát triển và tái phát của khối sau trị liệu. Ở người, CSC có ở các loại ung thư khác nhau. Tuy nhiên, ở một số bệnh ung thư tiến triển, tỉ lệ các tế bào có đặc tính của tế bào gốc ung thư có thể rất cao. Hiện nay vẫn chưa hiểu tại sao các tế bào ung thư lại chứa các CSC, sự đóng góp của CSC vào sự phát triển của khối u là gì, vì sao CSC có thể kháng với các liệu pháp hóa hay xạ trị và cách tế bào gốc ung thư làm cho ung thư tái phát?
Trong khối u, chứa các quần thể tế bào ung thư không đồng nhất. Một số dòng tế bào trong khối u có thể kháng lại với các liệu pháp hóa trị hoặc xạ trị, còn đa số thì không. Sau đó, các tế bào này lại phát triển thành các khối u mới sau trị liệu, các tế bào có khả năng như vậy được cho là các tế bào gốc ung thư. Điều này có thể giải thích được hiện tượng tái phát sau trị liệu. (Nguồn: DOI 10.1016/j.stem.2014.02.006)
8. Dòng tế bào gốc – stem cell line là gì?
Dòng tế bào gốc – stem cell line là một quần thể tế bào có thể tự phân chia trong thời gian dài khi nuôi cấy in vitro (tức ở ngoài cơ thể). Các dòng tế bào phát triển khi được nuôi với điều kiện môi trường chứa các yếu tố tăng trường chuyên biệt, cùng với điều kiện về nhiệt độ và oxi, CO2 tương tự như trong cơ thể.
ATCC là một địa chỉ cung cấp hàng loạt các dòng tế bào cho nghiên cứu lớn nhất thế giới.
9. Tế bào gốc phôi có những tiềm năng ứng dụng gì?
A. Hiểu về sự phát triển của con người.
Hầu hết kiến thức về sự phát triển của người có được thông quan nghiên cứu các mô hình nghiên cứu như ruồi giấm, giun tròn, ếch và chuột. Dòng tế bào gốc phôi người có thể được nuôi cấy và biệt hóa thành các loại tế bào và mô khác nhau song song với những sự kiện sớm nhất của sự phát triển phôi, cho ta một cánh cửa duy nhất để tìm hiểu sự phát triển của người.
B. Nghiên cứu về các bệnh và sự hình thành các bệnh.
Các mô hình động vật thực nghiệm thường được sử dụng để nghiên cứu về bệnh của người trong phòng thí nghiệm, Tuy nhiên, nó không phải là mô hình chính xác cho những bệnh xuất hiện trên người. Tế bào gốc vạn năng của người, đặc biệt là của bệnh nhân hay những dòng tế bào mang bệnh cụ thể cho ta một mô hình bệnh của người chính xác hơn trong điều kiện phòng thí nghiệm.
C. Y học tái tạo
Thay thế các tế bào bị bệnh bằng cách tế bào khỏe mạnh, cách tiếp cận này gọi là y học tái tạo, đây là một ứng dụng đầy hứa hẹn của tế bào gốc. Ngày nay, các nhà nghiên cứu tìm cách sử dụng các tế bào gốc trưởng thành, tế bào gốc thai nhi và tế bào gốc phôi như là một nguồn cung cấp các loại tế bào khác nhau như tế bào thần kinh, tế bào cơ, tế bào máu và tế bào da để sử dụng trọng điều trị các bệnh khác nhau. Theo lý thuyết (chúng tôi nhấn mạnh là trong lý thuyết nó hoàn toàn có thể và thực tế người ta đang nỗ lực để hiện thực hóa nó), mọi trường hợp bệnh liên quan tới sự thoái hóa mô có thể được điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc như bệnh liệt run (Parkinson), tổn thương dây cột sống, các bệnh tim, bệnh đái tháo đường type-1, loạn dưỡng cơ, thoái hóa thể vàng và bệnh gan. Tuy nhiên,một số trường hợp quan trọng cần xem xét khi hệ miễn dịch phá hủy các tế bào và gây ra bệnh như trong trường hợp bệnh đái tháo đường type 1 thì tế bào gốc biệt hóa thành các tế bào sản xuất insulin cũng có thể bị tấn công bởi hệ miễn dịch tương tự.
Thêm vào đó, một số loại tế bào gốc có di cư tới khối u hay vị trí tổn thương để tiết các yếu tố khác nhau để tác động lên sự đáp ứng của các tế bào khác như hệ miễn dịch tác động.
Các hướng tiếp cận này trong tương lai có thể thay đổi để phát triển các liệu pháp trị liệu dựa trên tế bào gốc.
Tế bào gốc phôi được phân lập và nuôi cấy từ khối tế bào nội phôi (ICM) có tiềm năng ứng dụng trong điều trị rất nhiều loại bệnh khác nhau. (Nguồn: aging-us.com).
10. Tại sao máu dây rốn – umbilical cord blood là một nguồn có giá trị?
Máu dây rốn – umbilical cord blood là nguồn giàu tế bào gốc tạo máu, hiện nay đang được thay thế cho cấy ghép tủy. Máu dây rốn có thể được thu nhận mà không gây xâm lấn từ dây rốn và bánh nhau sau sinh, sau đó kiểm tra, trữ lạnh trong ngân hàng mô để sử dụng khi cần. Yêu cầu về phù hợp người cho trong cấy ghép tế bào từ máu dây rốn ít nghiêm ngặt hơn các tế bào thông thường nên nhiều bệnh nhân có thể sử dụng mẫu tế bào máu dây rốn. Tuy nhiên, có thể do một mẫu máu dây rốn không có đủ số lượng tế bào gốc để điều trị cho người trưởng thành nên tế bào gốc máu dây rốn thường được sử dụng để điều trị cho trẻ em. Do đó, cần những nghiên cứu phát triển phương pháp nuôi cấy tăng sinh số lượng tế bào gốc trưởng thành ngoài cơ thể.
Trong máu và mô dây dốn, có các tế bào gốc tạo máu (HSC) và các tế bào gốc trung mô (MSC). Hai nguồn tế bào được sử dụng rất nhiều trong nghiên cứu và điều trị các loại bệnh khác nhau. (Nguồn: guardianlv.comstemcord.com).
11. Tại sao các nhà nghiên cứu tập trung vào phát triển các tế bào gốc vạn năng ở các loại bệnh?Sự phát triển các tế bào gốc vạn năng ở các loại bệnh có tiềm năng to lớn trong trị liệu vì hai nguyên nhân. Thứ nhất, các tế bào này cung cấp một công cụ hữu ích cho nghiên cứu nền tảng về bệnh ở người và để phát triển các loại thuốc mới. Thứ hai, các tế bào vạn năng ở các bệnh có thể phát triển thành loại tế bào cần để điều trị cho bệnh nhân đó. Khi cấy ghép lên chính người cho, các tế bào này sẽ được nhận diện như "bản thân", vì vậy tránh vấn đề về thải loại và ức chế miễn dịch xuất hiện trong cấy ghép, cho dù người cho và người nhận có quan hệ tương đồng.
(Còn tiếp)
Tham khảo: http://www.isscr.org/visitor-types/public/stem-cell-faq