Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập viện Công nghệ sinh học VN
Ngày 22/11/2013, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Công nghệ sinh học đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Công nghệ sinh học (1993-2013) và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tới dự buổi lễ, có GS. Châu Văn Minh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN, các đại diện lãnh đạo Đảng ủy, các Ban chức năng, đơn vị trực thuộc Viện HLKHCNVN. Buổi lễ còn vinh dự đón tiếp các đại diện lãnh đạo của các Bộ, ban, ngành, các đơn vị có quan hệ hợp tác với Viện Công nghệ sinh học. Cùng với sự tham dự đầy đủ của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức Viện Công nghệ sinh học qua các thời kỳ.
GS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen cho Viện Công nghệ sinh học |
Lễ kỷ niệm
là dịp đặc biệt để các thế hệ cán bộ, viên chức Viện Công nghệ sinh học
cùng nhìn lại những mốc lịch sử quan trọng trong quá trình xây dựng và
phát triển của Viện. Mở đầu buổi lễ kỷ niệm,
GS. Trương Nam Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học đã điểm lại các
giai đoạn phát triển và những thành tựu nổi bật của Viện trong 20 năm
qua.
Viện Công nghệ sinh học được thành lập ngày 19/6/1993 theo Nghị
định số 24/CP của Thủ tướng Chính phủ với sự hợp nhất các Viện Sinh vật
học, Trung tâm Sinh lý - Hóa sinh người và động vật, Trung tâm Nghiên
cứu Vi sinh vật học, Trung tâm Nghiên cứu Hóa sinh ứng dụng và một bộ
phận của Trung tâm Sinh học Đà Lạt. Trải qua 20 năm xây dựng và phát
triển, với tiềm lực về trang thiết bị, cơ sở vật chất và cán bộ khoa học
ban đầu còn rất khiêm tốn, đến nay Viện Công nghệ sinh học đã khẳng
định được vị thế của một Viện nghiên cứu chuyên ngành sinh học hàng đầu
của đất nước có tiềm lực về con người và cơ sở hạ tầng cùng với các
trang thiết bị hiện đại.
Hiện nay, Viện Công nghệ sinh học có 01 phòng Quản lý tổng hợp, 25
phòng nghiên cứu chuyên môn, 01 Liên hiệp khoa học sản xuất, 01 Trại
thực nghiệm sinh học và 01 Trạm Tam Đảo, với 288 cán bộ, trong đó 167
biên chế và 121 hợp đồng. Cán bộ của Viện có trình độ trên đại học chiếm
hơn 53% với 3 GS, 15 PGS, 73 TS, 63 ThS.
Trong 20 năm qua, với sự đa dạng về chuyên môn trong lĩnh vực sinh
học thực nghiệm, Viện Công nghệ sinh học đã tham gia vào hầu hết các
chương trình nghiên cứu quan trọng về công nghệ sinh học cấp Nhà nước
như: Chương trình khoa học công nghệ KC08 (1991-1995), Chương trình
KHCN02 (1996-2000), Chương trình Công nghệ sinh học KC04/01-05,
KC04/06-10 và KC04/11-15, Chương trình KC10/06-10 và KC10/11-15 thuộc
lĩnh vực y dược do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì; các Chương trình
Quốc gia về công nghệ sinh học trong nông nhiệp giai đoạn 2006-2020 phục
vụ nông nghiệp và thủy sản do Bọ Nông nghiệp và phát triển nông thôn
chủ trì; Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghệ
chế biến (2006-2020), Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học (2010-2025),
Chương trình Hóa dược (2006-2020) do Bộ Công thương chủ trì.
Ngoài ra, Viện còn tham gia thực hiện rất nhiều đề tài, dự án cấp
Viện Hàn lâm KHCNVN, cấp Bộ, ngành và các địa phương nhằm triển khai ứng
dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống mang lại hiệu quả
kinh tế - xã hội cao. Có thể kể đến một số kết quả nghiên cứu tiêu biểu
trong năm gần đây, giai đoạn 2008-2013 như:
Thành công trong việc xác định gen hài cốt liệt sĩ bằng công nghệ gen;
Nghiên cứu thành công Vaccine phòng chống virus cúm A/H5N1;
Thương mại thành công sản phẩm tăng cường chức năng giải độc gan NATURENZ;
Ứng dụng và thử nghiệm thành công công nghệ phân hủy sinh học trong
xử lý đất nhiễm chất độc hóa học chức dioxin ở quy mô hơn 3000m3 tại
sân bay Biên Hòa;
Nghiên cứu sản xuất thành công protein dược liệu Interleukin-2 dùng trong hỗ trợ điều trị bệnh ung thư;
Nghiên cứu thành công quy trình công nghệ sản xuất diesel sinh học từ vi tảo biển;
Nghiên cứu sản xuất thành công enzyme D-amino acid oxidase (DAAO)
và glutaryl-7ACA acylase (GL-7ACA) tái tổ hợp để sử dụng trong quy trình
chuyển hóa cephalosporin C(CPC) thành 7-ACA;
Nghiên cứu tổng hợp thành công nhiều loại protein và enzym tái tổ
hợp có giá trị ứng dụng trong nông nghiệp, y dược, công nghiệp như
cellulase, conotoxin, streptokinase, tissue plasminogen activitor (tPA),
chitinase, chitosanase, lignin peroxidase, laccase, pectinase, kháng
nguyên SEB, amylase bền nhiệt, hormon somatotropin,…
Phát triển Kit chẩn đoán dựa trên kỹ thuật PCR và kháng thể đặc
hiệu: Kit chẩn đoán HIV, Kit phát hiện bệnh virus trên tôm, Kit phát
hiện virus gây bệnh lở mồm long móng, Kit phát hiện nhanh virus cúm
A/H5N1 bằng kháng thể đơn chuỗi scFv, kỹ thuật phát hiện vi khuẩn
Helicobacter pylori,…
Triển khai ứng dụng trên diện rộng kỹ thuật bảo quản và thụ tinh
nhân tạo trên các đối tượng bò lai hướng thịt, dê thịt, sữa và chó
nghiệp vụ.
Từ các kết quả nghiên cứu của mình, các cán bộ khoa học của Viện đã
công bố rất nhiều công trình trên các tạp chí khoa học có uy tín trong
nước và quốc tế. Chỉ tính riêng 5 năm gần đây, Viện có 254 bài công bố
quốc tế, hơn 600 bài báo trên các tạp chí trong nước và 8 bằng phát minh
sáng chế và giải pháp hữu ích. Bên cạnh những thành tựu về nghiên cứu,
ứng dụng triển khai, Viện cũng đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực
đào tạo ở giai đoạn 2008 – 2013, cụ thể có 77 nghiên cứu sinh được đào
tạo tại Cơ sở đào tạo Viện Công nghệ sinh học, trong đó có 23 nghiên cứu
sinh đã bảo vệ thành công luận án và nhận bằng Tiến sĩ. Các cán bộ khoa
học của Viện cũng đã biên soạn được hơn 20 giáo trình và sách chuyên
khảo để phục vụ đào tạo sau đại học.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Viện Công nghệ sinh
học luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với các thành
tích đạt được Viện đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân
chương Lao động hạng Nhất (1998), Huân chương Độc lập hạng Ba (2003);
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2007); Huân chương Độc lập hạng Hai
(2008). Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Viện Công nghệ sinh học,
đồng thời ghi nhận và tuyên dương thành tích của Viện trong thời gian
qua, Thủ tướng Chính phủ quyết định trao tặng Bằng khen cho tập thể Viện
Công nghệ sinh học (2013).
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm,
GS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện HLKHCNVN, đã ghi nhận và đánh giá cao
những thành tựu mà Viện Công nghệ sinh học đã đạt được trong suốt 20 năm
qua, đồng thời chúc mừng Viện Công nghệ sinh học đã được nhận Bằng khen
của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch Châu Văn Minh hy vọng Viện Công nghệ
sinh học sẽ tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp của các thế hệ
đi trước và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên mọi lĩnh vực, góp
phần xây dựng Viện Công nghệ sinh học nói riêng và Viện HLKHCNVN nói
chung ngày càng vững mạnh. Chủ tịch tin tưởng rằng với đường lối phát
triển đúng đắn và sự đoàn kết, cố gắng không ngừng của tập thể cán bộ,
viên chức Viện Công nghệ sinh học, chắc chắn Viện Công nghệ sinh học sẽ
có nhiều bước tiến mới, đáp ứng được yêu cầu về khoa học và công nghệ
của đất nước trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Theo vast.ac.vn